Nằm ở chân đèo Yoshida tới núi Phú Sĩ, Fujikawaguchiko đang là điểm đến quá tải với lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước đổ về. Du khách tới đây hầu hết với mục tiêu được check-in cùng ngọn núi Phú Sĩ - biểu tượng của Nhật Bản. Thậm chí, một số du khách đã tìm đến cửa hàng Lawson - một trong những chi nhánh của chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn của Nhật Bản - để chụp ảnh sự tương phản giữa ánh đèn neon sặc sỡ của cửa hàng và cảnh núi yên bình ở phía sau.

Núi Phú Sĩ là nơi du khách không thể bỏ qua khi đến Nhật Bản. Ảnh: Pexels.

Việc này đã đẩy thị trấn đến tình trạng quá tải, buộc các quan chức địa phương phải đưa ra biện pháp cứng rắn. Một quan chức địa phương cho biết việc kiểm soát rác thải và vi phạm giao thông trở nên vô cùng khó khăn. Mặc dù có biển cảnh báo và nhân viên bảo vệ nhưng tình trạng vẫn không được cải thiện.

Theo kế hoạch, một rào chắn với chiều cao khoảng 2,5 m và chiều rộng khoảng 20 m sẽ được dựng vào đầu tuần tới để chặn tầm nhìn vào điểm check-in nổi tiếng này. Đây là một biện pháp quyết liệt và thể hiện rõ sự quyết tâm để bảo vệ vẻ đẹp tự nhiên, bảo vệ sự yên bình cho cộng đồng địa phương.

"Rất đáng tiếc khi chúng ta phải thực hiện những biện pháp như vậy," quan chức này chia sẻ.

Tuy nhiên, Fujikawaguchiko không phải là nơi duy nhất đang phải đối mặt với vấn đề du lịch quá tải tại Nhật Bản. Từ khi mở cửa du lịch trở lại sau đại dịch vào cuối năm 2022, Nhật Bản đã phải đối mặt với lượng du khách nước ngoài tăng đột ngột. Tháng 3 năm 2024 là tháng thu hút lượng lớn du khách nhất trong lịch sử với hơn ba triệu du khách nước ngoài. Nhiều du khách đã đổ dồn tới núi Phú Sĩ - di sản thế giới UNESCO gây ra vấn đề rác thải và xói mòn trên các con đường leo núi.

"Vấn đề quá tải du lịch dẫn đến những hậu quả như rác thải, lượng khí CO2 tăng cao và hành vi thiếu ý thức của du khách, đây chính là một thách thức lớn đối với ngọn núi Phú Sĩ," Masatake Izumi - một quan chức của chính quyền tỉnh Yamanashi - chia sẻ.

Một số người dân địa phương thậm chí đặt biệt danh cho ngọn núi Phú Sĩ này là Fuji-san (trong tiếng Nhật là núi rác).

Để giảm thiểu tình trạng quá tải, chính quyền tỉnh Yamanashi đã đưa ra một số chính sách mới đối với du khách bao gồm giới hạn số lượng du khách tới tham quan là 4.000 người leo núi mỗi ngày và giá vé là 2.000 yen/người (320.000 đồng/ người).

Một khách du lịch chụp ảnh tại địa điểm ở Fujikawaguchiko nơi rào chắn sắp được dựng lên. Ảnh: Philip Fong.

Việc xây dựng rào chắn để ngăn chặn du khách chụp ảnh là một biện pháp không phổ biến tại những điểm du lịch trên thế giới. Thị trấn Hallstatt - Áo, được cho là nguồn cảm hứng cho bộ phim ăn khách "Frozen" của Disney, có khoảng 800 cư dân sinh sống nhưng phải đón tới 10.000 du khách mỗi ngày vào mùa cao điểm. Điều này khiến chính quyền địa phương quyết định xây dựng một hàng rào gỗ vào tháng 5/2023 nhằm ngăn chặn du khách tới chụp ảnh.

Trần Đình

Theo CNN